Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

BF LÀ GÌ ?!


Một cậu bé nói với một cô bé:
- Tớ là BF của cậu!
Cô bé hỏi:
- BF là gì?
Cậu bé cười hì hì trả lời:
- Nghĩa là Best Friend đấy.

Sau này họ hẹn hò, chàng trai lại nói với cô gái:
- Anh là BF của em!
Cô gái dựa nhẹ vào vai chàng trai, thẹn thùng hỏi:
- BF là gì hả anh?
Chàng trai trả lời:
- Là Boy Friend đấy!

Vài năm sau đó họ kết hôn, sinh được những đứa con thật xinh xắn,
người chồng lại cười và nói với vợ rằng:
- Anh là BF của em!
Người vợ dịu dàng hỏi chồng:
- BF là gì hả anh?
Anh chồng nhìn đàn con xinh xắn và hạnh phúc trả lời:
- Là Baby’s Father.

Khi họ già, họ cùng nhau ngồi ngắm hoàng hôn trước hiên nhà,
ông lão lại nói với vợ:
- Bà nó à! Tôi là BF của bà đấy!
Bà lão cười với những nếp nhăn trên mặt:
- BF là gì hả ông?
Ông lão mỉm cười thật hạnh phúc và trả lời 1 cách thật thần bí:
- Là Be Forever!

Khi ông lão hấp hối cũng nói :
- Tôi BF bà nha.
Bà lão trả lời với giọng buồn:
- BF là gì vậy ông??
Ông lão trả lời rồi nhắm mắt:
- Là Bye Forever!

Vài ngày sau, bà lão cũng ra đi, trước khi nhắm mắt, bà lão nói nhỏ bên mộ ông lão:
- Beside Forever nha ông.


NGHỆ THUẬT CHỬI NHAU


Vùng quê của mình ngày xưa ngoài Bắc có 2 cái nghề đặc biệt : Khóc mướn và Chửi mướn. Nhà có đám tang, mời người khóc mướn tới, chỉ nói cho biết những chi tiết cần thiết, là họ có thể khóc lóc kể lể cả mấy tiếng đồng hồ liền, vật mình vật mẩy, thảm thiết tới mức chính người mướn cũng phải khóc theo như thiệt vậy. Còn chửi, nhất là được mướn chửi đòi nợ, thì mới 5 giờ sáng đã xách ghế đẩu tới trước cửa nhà con nợ, ngồi chõ miệng vào trong nhà mà chửi, lôi tam tứ đại ông cha nạn nhân ra mà chửi, chửi có vần có điệu theo thể thơ lục bát, hay song thất lục bát, chửi tới mức con nợ chịu đời không thấu đành phải "bán vợ đợ con" lấy tiền mà trả cho yên thân. Đó là những nét văn hóa độc đáo của dân Bắc kỳ, nhất là tại vùng quê tôi.  Từ nhỏ, hễ biết có màn chửi nào là lũ nhỏ tụi tui đều kéo nhau tới sắp hàng ngồi dự thính, nghe riết, không ít thì nhiều, cũng phải thấm nhuần cái văn hóa chửi, nhưng may là bây giờ già rồi , gần đất xa trời rồi, ráng tu thân tích đức để chuẩn bị sẵn sàng bất cứ lúc nào cũng có thể  lên đường đi đoàn tụ với ông bà, nên bây giờ có bị tên vô lại  nào lên tiếng chửi, mình cũng chỉ dập xuống đít mà cười khì thôi.



1. Chửi cổ điển

Bớ làng trên xóm dưới, bớ láng giềng láng tỏi… bên sau bên trước, bên ngược bên xuôi! Bà có con gà mái xám mới ghẹ ở, nó mới lạc ban sáng mà thằng nào con nào, đứa ở gần mà qua, đứa ở xa mà lại, nó dang tay mặt, nó đặt tay trái, nó bắt mất của bà, thì buông tha thả nó ra, có đứa nào trót nhỡ tay đánh cắp con gà mái ghẹ của bà thì hãy banh lỗ tai vạch lỗ nhĩ lên mà nghe bà chửi đây nài i i i i i …

Chém cha đứa bắt gà nhà bà, chiều hôm qua bà cho nó ăn nó vẵn còn. Sáng hôm nay con bà gọi nó nó vẫn còn, mà bây giờ nó đã bị bắt mất. Mày muốn sống mà ở với chồng với con mày, thì buông tha thả nó ra cho nó về nhà bà, nhược bằng mày chấp chiếm, thì bà đào mã thằng tam tứ đại nhà mày ra, bà khai quật bật săng thằng ngũ đại lục đại nhà mày lên. Ới cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia. Mày mà giết gà nhà bà thì một người ăn chết một, hai người ăn chết hai, ba người ăn chết ba. Mày xuống âm phủ thì quỷ sứ thần linh rút ruột mày ra a a a a …

Mày dám xơi thịt con gà mái yêu của bà í à? Bà là bà rủa cho mày ngóc đầu lên không được đấy con ạ ạ ạ ạ …..

Cái con gà nó ở nhà bà nó là con công con phượng, chứ nó về đến nhà mày nó thành con cú, con cáo, con thần nanh mỏ đỏ, nó mổ chồng mổ cha mổ tiên sư ông bố ông cố nội mày ra thành trăm mảnh. Bà là bà vứt xuống ao cho cá nó rỉa, rồi bà lại đem lên bờ cho chó nó liếm đấy con ạ. ạ ạ ạ ạ…

Bà rủa cho mày là mày ngủ giường: giường sập, mày ngủ võng: võng đứt, mày thức mày cũng mơ thấy ma móc mắt mày ra, mày tắm ở ao mày chết chìm trong chậu, mày đi ra đường xe bò cán mày bẹp đầu, mày đi trên lề đường cây khô rớt xuống gãy cổ, mày uống được ngụm nước vào mồm máu đỏ mày phọt ra đằng mũi, máu trắng mày tuồn ra đằng tai, mày ăn miếng rau mày ói ra miếng thịt. Mày dám đớp thịt con gà của bà hở? Thì ối giời ơi tóc tai lông lá mày rụng sạch. Bà cuộn lại thành chổi bà quét hố xí í í í í ….

Mày không thả con gà nhà bà ra, bà đóng ghế 3 tháng 10 ngày, buổi sáng bà chửi, buổi tối bà chửi, buổi trưa bà hú, bà nguyền, bà rủa cho cây vàng lá, cho quả chột thui, cho Thần Trùng đến rút từng khúc ruột của Cha Ông, vợ con nhà mày ra a a a a…

Bà hú 3 hồn, 7 vía thằng đàn ông, 3 hồn 9 vía con đàn bà đã bắt con gà nhà bà. Bà gọi ông cầm cờ xanh đứng đầu ngõ, ông cầm cờ đỏ đứng sau nhà, ông cầm cờ vàng bên hữu, ông cầm cờ trắng bên tả yểm cho nhà mày đẻ con ra thì ngược, sinh cháu ra thì ngang vì đã dám ăn con gà nhà bà à à à à …



2. Chửi tân thời

À, mày tưởng mày là tiến sĩ toán lý mà bà không dám chơi toán học với mày à. Bây giờ bà chửi từ số học lên tích phân, xuống đại số rồi sang hình học cho mày nghe e e e e... 

Nếu gọi bố mày là A, mẹ mày là B, mày là C, bà lấy A cộng B cộng C, cho vào ngoặc bà khai căn, bà vi tích phân cả họ mày lên...ên..ên..ên..

Mày tưởng nuốt được con gà nhà bà là mày có thể yên ổn mà chơi trò “cộng trừ âm dương” trên giường với nhau à… Bà là trị cho tuyệt đối hết cả họ chín đời nhà mày, cho chúng mày biết thế nào là “vô nghiệm”, cho chúng mày không sinh, không đẻ, không duy trì được nòi giống nữa thì thôi… Bà sẽ nguyền rủa cho chúng mày đời đời chìm đắm trong “âm vô cùng”, sẽ gặp tai ương đến “dương vô cùng”, cho chúng mày chết rục trong địa ngục, cho chúng mày trượt đến “maximum” của sự “vô hạn” tối tăm ăm ăm ăm ăm …

Tiên sư nhà mày, mày tưởng ngày nào mày cũng rình mò “tiệm cận” hàng rào nhà bà là bà không biết đấy à? Bà là bà “giả thiết” mày ăn cắp hơn hai chục con gà nhà bà, mày về mày vỗ béo để nhồi “đường cong” cho con vợ mày, à… à… mày vẽ nữa đi, mày tô nữa đi. Mày tô, mày vẽ, mày nhồi cho đến khi “đường cong” của con vợ mày nó nứt toác, nó gẫy khúc ra, chọc xiên chọc xẹo đi, rồi đi lên đi xuống nữa vào, rồi có ngày con vợ mày sẽ hạ “vuông góc” một mạch thẳng xuống “góc tù..ù ù ù…"

Hôm nay bà chửi một bài,
Ngày mai bà sẽ chửi hai lần liền.
Bà chửi cho mày hóa điên,
Bà rủa suốt tháng liên miên không ngừng.
Bây giờ bà mệt quá chừng,
Bà về cơm nước, nhớ đừng quên a…
Muốn sống thì thả gà ra,
Lạy bà hai lạy, bà tha cho mày….ày ày ày…

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

CÁCH TÔI SỐNG


1.  Bạn email cho tôi, dặn dò: “Cố gắng sống chậm!”. Tôi không hiểu lắm ý nghĩa hai từ “sống chậm” này. Tôi đoán, có lẽ ý bạn nói chậm chậm lại một chút và tập hưởng thụ đi, đừng “hùng hục” nữa! Một ngày của tôi luôn bắt đầu từ 4h30 sáng và kết thúc vào 10h tối. Có người cho rằng vậy là tôi đã sống chậm (bởi đi ngủ quá sớm) nhưng cũng có người nói tôi không sống chậm bởi dậy quá sớm! 

Một ngày, tôi quyết sống chậm theo cách của mình và cố gắng tạo cho được thói quen đó. Buổi sáng tôi dành khoảng một giờ đi bộ ra biển. Thật ra, đó không phải là quyết tâm của tôi cho môn thể dục buổi sáng không tốn kém này mà bởi vì đó là mẹ tôi, năm nay 64 tuổi. Nhiều năm trước, mẹ tôi thường xuyên ốm đau, nhờ đi bộ buổi sáng sức khoẻ bà khá lên rất nhiều. Hiệu nghiệm nhất là chứng tiểu đường, từ kết quả xét nghiệm ba bốn cộng gì đó mà nhờ chế độ kiêng khem, cộng với đi bộ buổi sáng giờ đây kết quả hoàn toàn âm tính. 

Một sáng chủ nhật tôi đi bộ cùng bà ra biển. Nắm chặt tay tôi, mẹ nói: “Đi với con má cảm thấy vững vì nắm tay con, giống như có điểm tựa vậy, đi với mấy bà bạn gìa chẳng ai nắm tay ai, nhiều lúc liêu xiêu muốn té!”. Thế là từ đó, tôi bỏ hết công việc viết lách chút đỉnh buổi sáng để đi bộ với mẹ. Lâu dần thành thói quen. Biết tôi tham công tiếc việc, sợ tôi bỏ cuộc, ngày nào mẹ cũng động viên: “Con cũng có tuổi rồi, ráng đi chút buổi sáng Nhiều bữa má cũng mỏi lắm, nhưng phải cố”. Nghe mẹ, tôi ráng. Có lúc bận bịu hết sức mà cũng đành phải đóng nắp máy vi tính đứng lên khi nghe tiếng mẹ gọi dưới đường (mẹ đi từ nhà mẹ qua nhà tôi). Từ nhà tôi ra đến biển chưa đến 2 cây số. Đến nơi, tôi và mẹ ngồi lại trên ghế đá ngắm biển, nhìn những dáng người lướt qua như giòng chảy chậm trên nền tiết tấu khoan thai của thời gian. Phía trước mặt có một khối cầu lửa ngày nào cũng ngoi lên đúng thời điểm. Khi quả cầu cách mặt nước khoảng chừng hơn thước và bắt đầu chói mắt thì tôi và mẹ đứng lên đi về. 

Tôi bắt đầu một ngày mưu sinh, mẹ bắt đầu một ngày với tờ báo tôi mua cho bà cùng ly cà phê sữa. Ngày rồi ngày, dù cố sống chậm cách mấy tôi cũng cảm thấy thời gian sao đi nhanh quá. Mới thứ hai đầu tuần nắm tay mẹ băng qua quảng trường, ngồi ghế đá vậy mà lục tục đến thứ bảy hồi nào. Chưa kịp làm gì đã hết tuần. Một tuần trôi qua niềm vui, nỗi buồn, thất vọng, hy vọng... Nhanh như cái chớp mắt!


2.  Chiều cuối tuần, tôi nhận điện thoại của một người bạn trẻ: “Anh rảnh không đi uống nước với em”. Dù bận công việc chuẩn bị cho ngày thứ hai tôi cũng cố sắp xếp: “Ừ, em đến trước đi rồi anh sẽ ra”. Tôi cũng muốn sống chậm một chút trong buổi chiều cuối tuần, khi mà nắng vàng vẫn còn rực rỡ lắm. Xong chầu cà phê tôi sẽ trở lại cơ quan tiếp tục công việc, chẳng việc gì phải vội. 

Người bạn trẻ của tôi năm nay 35 tuổi đang theo cao học kinh tế và muốn mượn tôi một số tài liệu cho luận án đang làm. Tôi nhìn cô thao thao kể chuyện mà thấy ngợp. “Hồi học đại học khổ cực quá, tốt nghiệp xong em đốt hết sách vở thề không bao giờ học nữa. Vậy mà mười năm sau em học thêm đại học kinh tế. Học xong, sinh con, tất bật quá em không nghĩ mình còn sức để học, vậy mà giờ đây em sắp xong cao học rồi. Em chưa biết mình còn tiếp tục nữa hay không”. 

Tôi hỏi một câu khá ngây ngô và khá… tính toán: “Em học vậy có…lên chức không?”. Người bạn trẻ cười ngất nhìn tôi như nhìn một nhân vật hiếm hoi còn lại của thời bao cấp: “Anh lạc lõng với thời buổi làm ăn kinh tế bây giờ quá. Em học cho em. Em kiếm ra tiền từ những kiến thức đó”. Tôi vẫn ngáo ộp: “Kiếm tiền bằng cách nào chỉ anh với!”. Người bạn trẻ cười to hơn: “Nhát như anh sao giàu được. Một tháng em không làm gì hết đã có mười triệu !” Tôi tròn mắt thán phục. 

Trong cái đầu óc “thẳng thớm” của tôi vẫn không tài nào hiểu được cách giải bài toán để ra đáp số mười triệu mà chẳng phải làm gì! Chúng tôi chia tay, nắng chiều vẫn còn đọng trên những tàng cây một màu vàng óng đến nôn nao. Tôi nhìn mãi người bạn trẻ và không hiểu cô đang sống chậm hay sống gấp!


3.  Sáng nay trên con đường ra biển tôi thấy lác đác những chùm hoa phượng màu đỏ thấp thoáng trong tán lá xanh. Mẹ tôi nói: “Hè lại về rồi đó!”. Có mùa phượng nào cùng tiếng ve râm ran trở về trong ký ức của mẹ? Có con đường phượng đỏ nào lướt qua trong ký ức của tôi? Chợt hiểu, bản chất của cuộc sống là vận động không ngừng, chậm hay nhanh do mình cả. 

Hai bốn giờ của một ngày là hằng số không đổi, công việc làm và suy nghĩ là biến số. Thôi thì, cố gắng sống tốt. Nếu kết hợp được hai vế: sống chậm và sống tốt và bằng lòng với những gì mình có thì có lẽ cuộc sống sẽ rất dễ chịu!

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

CHẬP CHỮNG ĐẦU ĐỜI


Buổi chiều mẹ hay ẵm con đi chơi quanh xóm, con thường nhướn người tới trước. Mẹ sợ chân con còn yếu, chưa đi được và sợ con bị dơ nên vẫn cố ẵm con. Mẹ đâu biết rằng con đang muốn tập đi những bước đầu đời...

Chỉ còn mấy ngày nữa là con tròn một tuổi, cả nhà đang bận rộn kế hoạch để chuẩn bị tổ chức tiệc thôi nôi cho con.

Khi các anh chị đang chạy nhảy ngoài sân thì con men theo hàng rào, mắt dõi theo anh chị, tay chỉ về phía trước. Con đang mưu tính một chuyện quan trọng đây mà, đó là làm cách nào tới gần được mấy anh chị kia khi không có mẹ bên cạnh. Con thả tay ra, không vịn hàng rào nữa, tự đứng vững một lát để lấy lại sự tự tin và hình như con hít thở sâu (mẹ nghĩ vậy) bước được hai bước, rất bình tĩnh, con dừng lại và ngồi xuống nghỉ mệt. Cứ như thế, khoảng cách được rút ngắn dần vì con biết tính toán rất khoa học trong việc di chuyển và nghỉ mệt. Mấy anh chị đang đùa nghịch bỗng reo lên làm con rất phấn khích, con muốn đi nhanh hơn nữa nên ráng đi thêm một bước nữa và ngã uỵch xuống sân. Xem kìa, con sẽ làm gì đây ? Khóc òa lên để mẹ nghe thấy và ra đỡ con dậy hay sao ? Thật ngạc nhiên, con tự đứng dậy, nghỉ mệt một chút và đi tiếp. Con của mẹ rất chững chạc, con không hề sợ hãi khi té. Chính các trò vui nhộn của mọi người quá cuốn hút đã làm con quên đi cú ngã đó. Khi con sắp đến gần được các anh chị thì mọi người càng reo hò cổ vũ, con càng phấn khích và đi nhanh tới hơn. Những cái ôm, cái nựng, lời khen của mấy anh chị là món quà chào đón thành viên mới trong xóm chính thức bước đi.

Còn với mẹ, trong giây phát này, mẹ cảm nhận được niềm hạnh phúc như vỡ òa - con đã biết đi - đã có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình và đi đến những nơi con muốn. Đôi tay mẹ sẽ nâng đỡ, dìu dắt từng bước chân đầu đời của con chứ không phải là nâng niu, ẵm bồng nữa. Ánh mắt mẹ sẽ luôn dõi theo từng bước chân của con để nhắc con tránh những chướng ngại vật sẽ gặp trong từng bước chân chập chững hôm nay và trong cả mai sau khi con đã lớn khôn.

Hôm tổ chức tiệc thôi nôi cho con, cả nhà rất vui mừng vì sự kiện con đã biết đi. Mẹ không còn ẵm con hoài trên tay như mọi khi mà luôn chú ý quan sát con trong mọi hoạt động. Mẹ biết rằng con rất cần sự chăm sóc, vỗ về, nâng đỡ, yêu thương từ bàn tay mẹ và ánh mắt luôn dõi theo của cha trong giai đoạn con đang chập chững này và trong cả cuộc đời sau này, Minh Khánh yêu.